Thứ Bảy, 8 tháng 5, 2010

ÔNG BÀ BÁC SĨ TẠ TRUNG QUẤC


Năm 1999,Ông Bà BS Tạ Trung Quấc về Việt Nam,có ghé xuống thăm các cháu nội bà Tạ Thiếu Lang ở Vũng Tàu , mọi người ai cũng ngạc nhiên về sự đơn giản và thanh đạm cũa hai ông bà trong cách sống,hai ông bà mướn một căn nhà trọ ở Bãi Sau và từ đó đi tham quan mọi nơi bằng phương tiện duy nhất là...đi bộ ! Ông ưa phàn nàn rằng người Việt ta dạo này ít khi thấy đi bộ vì theo ông đó là một cách rèn luyện thân thể tốt nhất và có lần ông rất đỗi ngạc nhiên khi thấy một bà đang gánh chè đi bán bằng xe gắn máy !!!









“Có từ khổ cực đi lên mới biết thương người nghèo khó!”
Bà Năm Quấc vui vẻ kể chuyện làm từ thiện cho khách nghe.
Trời chạng vạng tối, chúng tôi thật xúc động vì thấy bà đứng sẵn chờ ngoài ngõ từ lúc nào. Bà cười nói: “Sợ mấy chú không rành địa chỉ khu này nên tôi ra đây đón”. Tuổi đã ngoài độ bát tuần nhưng dáng vẻ bà trông còn rất khỏe mạnh và linh hoạt. Căn nhà rộng thênh thang, vật dụng bài trí khá đơn giản nhưng rất trật tự và ngăn nắp. Phía trên cao bức tường giữa nhà treo tấm ảnh cố bác sĩ Tạ Trung Quấc với nụ cười phúc hậu. Ông mất cách đây hơn 3 năm. Bà mở đầu câu chuyện bằng lời tâm sự sâu sắc: “Mình có từ khổ cực đi lên mình mới biết thương người nghèo khó”.

Vợ chồng bác sĩ Tạ Trung Quấc là Việt kiều Pháp. Thời trẻ ông tham gia lực lượng Thanh niên Tiền phong từ năm 1945. Thực dân Pháp nhiều lần bắt giam ông, nhưng nhờ có người quen làm công chức cho nhà cầm quyền tác động nên chúng phải thả.
Năm 1948, ông bị trục xuất sang Pháp. Suốt quãng thời gian sinh sống ở Pháp cho đến năm 1975, hai vợ chồng ông đã nếm trải rất nhiều khó khăn trên con đường mưu sinh, chứng kiến nhiều chuyện nhân tình thế thái. Sống khổ, biết và hiểu thế nào là cảnh cơ cực, nên hai vợ chồng ông rất thương cảm những thân phận kém may mắn.
Năm 1981, một lần về thăm quê nhà (Trà Vinh), tình cờ nghe được câu chuyện buồn của người bạn hàng xóm có con thi đậu đại học mà không có tiền vì nhà quá khó khăn, ông bà đã nhận giúp đỡ gia đình này kinh phí lo cho các cháu ăn học.
“Sự kiện” từ thiện đầu tiên đó mang lại cho vợ chồng bác sĩ Tạ Trung Quấc một niềm khích lệ rất lớn. Từ đó, mỗi lần về Việt Nam, hai ông bà đều dành toàn bộ khoản tiền mà mình tiết kiệm được để trợ cấp cho học sinh, sinh viên nghèo, với con số hàng trăm triệu đồng mỗi năm.
Năm 2004, vợ chồng bác sĩ Tạ Trung Quấc đã đóng góp 400 triệu đồng để xây dựng phân xưởng tranh ghép gỗ tại Trung tâm Dạy nghề của Hội Bảo trợ bệnh nhân nghèo TPHCM.
Năm 2005, bác sĩ Tạ Trung Quấc thanh thản ra đi sau những cố gắng, những việc làm có ích cho đời. Thực hiện tâm nguyện của ông cùng với sự giúp đỡ của người cháu ruột, bà tiếp tục dành trọn thời gian thực hiện “sự nghiệp từ thiện” còn dang dở của ông.
Được sự cố vấn của bác sĩ Dương Quang Trung, người bạn tri kỷ của gia đình, bà quyết định dành một phần số tiền ông bà tiết kiệm được, thông qua Quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng, trợ cấp cho sinh viên nghèo ngành y ở các tỉnh xa lên thành phố học.
Chuyện làm từ thiện của bà cũng mang một “phong cách” rất riêng. Cứ gần đến ngày các em học sinh, sinh viên phải đóng tiền học hoặc kết thúc năm học, bà tự dùng điện thoại liên lạc với từng sinh viên ngành y do bà tự chọn và trao học bổng hàng năm, tổ chức một buổi họp mặt ngay tại nhà bà. Ngoài trách nhiệm và nghĩa vụ phải báo cáo kết quả học tập, các bạn còn phải kể chuyện gia đình, chuyện học… cho bà nghe.
Tháng 9-2008 vừa qua, bà soạn thư ngỏ về việc tài trợ vốn cho phụ nữ nghèo các tỉnh phía Nam, một dự án từ thiện mà bà ấp ủ từ lâu. Đầu năm 2009, bà Tạ Trung Quấc đã thay mặt gia đình ký bản thỏa thuận với Báo Sài Gòn Giải Phóng, tiếp tục tài trợ cho một số sinh viên ngành y có hoàn cảnh nghèo cho đến khi các em tốt nghiệp, thông qua Quỹ học bổng Nguyễn Văn Hưởng, với số tiền 100 triệu đồng mỗi năm.
Nghe bà Tạ Trung Quấc thuật lại chuyện quá khứ đã qua, những năm tháng sinh sống làm việc vất vả, cực nhọc trên đất Pháp, về những hoạt động chính trị của bác sĩ Tạ Trung Quấc cũng như hành trình làm từ thiện của ông bà một cách rành rọt từng chi tiết, ngày tháng, chúng tôi không khỏi khâm phục trước trí nhớ kỳ lạ của người đã ngoài tuổi 80. Chia tay bà, chúng tôi xin phép được biết tên thật, bà nói: “Tôi thứ năm, tên Nguyễn Thị Thu Cúc, nhưng tên thường gọi là bà Năm Quấc”.
( Trích báo SGGP )

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét